Giới nghiên cứu ngỡ ngàng về sâm Ngọc Linh

(PLO)- Sau gần nửa thế kỷ, giới nghiên cứu tiếp tục có phát hiện “gây choáng” về thành phần hợp chất saponin của sâm Ngọc Linh tăng gần gấp đôi. Đặc biệt có nhiều hợp chất chống stress, trầm cảm.

Năm 1973, người đầu tiên phát hiện và công bố sâm Ngọc Linh ra thế giới là dược sĩ Đào Kim Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Khu 5) với pháp danh khoa học panax articulatus. 12 năm sau, tên đầy đủ được ngành thực vật học thế giới công nhận là panax vietnamensis ha & grushv (sâm Việt Nam).

Ngược về dấu mốc 50 năm

Chia sẻ về câu chuyện tìm ra sâm Ngọc Linh, dược sĩ Đào Kim Long nói: “Đây là kết quả rất tự hào. Trong thời điểm chiến tranh còn kéo dài, việc tìm ra thuốc chữa thương hiệu quả cho bệnh binh rất là mừng. Hồi đó, chúng tôi không gọi tên là sâm Ngọc Linh mà gọi là “cây có đốt” để tránh bị kẻ địch, kẻ xấu tìm ra phá hủy hoặc khai thác hết”.

“Nhờ công dụng thần kỳ của nó, bác Võ Chí Công (nguyên Bí thư Khu ủy Khu V) nói với tôi: “Sao không đưa về đồng bằng chăm cho nhanh lớn?”. Lúc ấy tôi bảo chưa được. Đến năm 2009, bác Công gặp tôi lại nhắc: “Đưa về chưa?”, tôi bảo vẫn chưa được” – dược sĩ Long chia sẻ.

Cách đây hơn 50 năm, khi đang là giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc cho người dân và bộ đội. Hành trình tìm “thần dược”, ông cùng đoàn công tác đi khắp các tỉnh miền Trung nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Đến tháng 6-1972, nghe được một tin vô cùng quý giá là trên núi Ngọc Linh có loại dược liệu chữa thương thần kỳ.

Giới nghiên cứu ngỡ ngàng về sâm Ngọc Linh ảnh 1

Dược sĩ Đào Kim Long, người đầu tiên phát hiện và công bố sâm Ngọc Linh. Ảnh: LÊ KIẾN

Bắt được tin này, ngay lập tức Khu ủy Khu V thành lập đoàn do dược sĩ Đào Kim Long dẫn đầu lên núi Ngọc Linh. Lúc này, đoàn may mắn được dược tá Nguyễn Thị Lê (Ban Dân y Kon Tum), thổ địa nơi đây, hỗ trợ dẫn đường. Sau nhiều ngày vượt núi, đúng 9 giờ ngày 19-3-1973, ông đã phát hiện ra cây sâm Ngọc Linh đầu tiên ở huyện Đắk Tô (nay là huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum).

Lúc này, dược sĩ Long vừa mừng vừa nghi liền đưa củ sâm lên miệng nếm thử. Qua vị giác và mùi, ông liền khẳng định mình đã tìm ra “thần dược” cần tìm. Tiếp tục đi đến ngọn núi cuối cùng là lúc 17 giờ, mặc dù mệt lả người nhưng ông và đoàn vẫn hăng say. Bất ngờ trước mắt đoàn lúc này hiện ra một khu vực rộng lớn toàn sâm Ngọc Linh mọc san sát.

Kết quả sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, phân bố và phát tán, dược sĩ Long xác nhận chắc nịch: “Núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm và chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Nhiều phát hiện choáng ngợp

Năm 2017, sâm Ngọc Linh được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia và xem là quốc bảo Việt Nam, góp phần nâng tầm dược liệu đặc hữu trên đỉnh núi Ngọc Linh lên cấp độ mới, không thua gì các loại sâm quý ở các nước.

Tiếp đó, hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học về sâm Ngọc Linh được công bố trên toàn thế giới là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới với sự đa dạng các hợp chất saponin.

Giới nghiên cứu ngỡ ngàng về sâm Ngọc Linh ảnh 2
Du khách tham quan vườn sâm của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: LÊ KIẾN

Theo GS-TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM, đến nay đã xác định sâm Ngọc Linh có 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận của cây như củ, thân, lá. Con số 52 hợp chất đã công bố trước kia tồn tại gần nửa thế kỷ đã không còn phù hợp.

“Trước đây người ta tập trung tìm các hợp chất saponin, bây giờ các nhà khoa học còn hướng đến các loại hợp chất mang lại nhiều công dụng khác. Trong tương lai có thể tìm ra 200 loại nếu tính luôn cả thành phần tinh dầu. Khi nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá là nằm ngoài sự hiểu biết khi tiếp cận đến” – GS-TS Luận tự hào nói.

Theo GS-TS Luận, đến bây giờ cả thế giới và Trung Quốc đều công nhận sâm Ngọc Linh chỉ có ở Việt Nam. So với sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh còn non trẻ, ít công trình nghiên cứu nhưng nó vẫn thể hiện một số vượt trội. Có thể mạnh dạn khẳng định trong cùng một độ tuổi như nhau (năm năm), hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh vượt gấp đôi hoặc gấp ba hàm lượng trong các loại sâm khác và số hợp chất saponin đa dạng hơn.

“Tác dụng lớn nhất tìm ra trong sâm Ngọc Linh là có hợp chất làm giảm stress tâm lý. Trong thời buổi xã hội có nhiều căng thẳng như hiện nay, việc tìm ra một loại dược liệu như vậy có ý nghĩa rất quan trọng” – GS-TS Luận nhấn mạnh.

Chia sẻ về hướng đi của sâm Ngọc Linh, PGS-TS Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, cho rằng giai đoạn khó khăn nhất là 2000-2011, đưa giống từ tự nhiên về vườn nhà đã qua rồi.

Bây giờ viện đang tham gia tiếp hai đề tài nghiên cứu (được Chính phủ phê duyệt trong chương trình mục tiêu quốc gia) về chọn sâm giống và kiểm định giống sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh chỉ có ở Kon Tum và Quảng Nam

Sâm Ngọc Linh có thân thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, cao tầm nửa mét. Thân rễ nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, phân bố ở độ cao 1.200-2.500 m ở vùng núi Ngọc Linh.

Vùng chỉ dẫn địa lý được xác định tại hai tỉnh Kon Tum (huyện Đắk Glei có ba xã, huyện Tu Mơ Rông có bảy xã) và Quảng Nam (bảy xã thuộc huyện Nam Trà My).

Một số tổ điều tra xác định cây dược liệu này phân bố khá nhiều trên khắp vùng núi Ngọc Linh, khoảng 6.000-7.000 cây. Đặc biệt, tổ điều tra tìm ra một cây sâm có 52 sẹo và một cây có 82 sẹo (một sẹo tương đương một năm tuổi) dài nửa mét, rất quý giá.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm kỳ cục nhất thế giới, nằm gần xích đạo nhất – vĩ tuyến 15. Điều thú vị là xứ nhiệt đới gió mùa mà có loại sâm như vậy khiến giới khoa học Nhật Bản tò mò, muốn nghiên cứu sâu hơn.

Đây là quà tặng của thiên nhiên, toàn bộ thế giới không có loại sâm panax nào tương tự. Một tính chất nổi trội của sâm Ngọc Linh là chống stress thực thể và stress tâm lý.

GS-TS NGUYỄN MINH ĐỨCTrưởng khoa Dược Trường ĐH Tôn Đức Thắng

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sâm Ngọc Linh Bảo Ly